Bí quyết để thi đậu lớp 10 vẫn luôn là sự tìm kiếm của các sĩ tử và cũng là câu hỏi của không ít phụ huynh với mong muốn được đồng hành cùng con trước ngưỡng cửa quan trọng này. Hãy “bỏ túi” 13 kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 dưới đây của Khóa Học Tốt để hoàn thành mục tiêu đậu thi vào trường THPT dễ dàng hơn.
Bài viết tham khảo thêm:
1. Lên kế hoạch ôn tập phù hợp đối với từng môn
Mỗi môn học sẽ có những đặc thù về kiến thức được phân chia riêng biệt theo cấu trúc của từng bài thi. Do đó, việc lên kế hoạch ôn tập phù hợp với từng môn học là kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 đầu tiên Khóa Học Tốt muốn chia sẻ đến các bạn.
1.1. Môn Ngữ văn
Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn thường dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức cũng như kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành. Chủ yếu kiến thức đề thi ra đều thuộc về các bài trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 9. Bài thi thường có cấu trúc gồm 3 phần:
– Phần Đọc hiểu (3 điểm): Đề có thể cho văn bản thông tin, khoa học, nghị luận với các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến mức độ vận dụng.
– Phần Nghị luận xã hội (3 điểm): Yêu cầu thí sinh viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ). Cách tổ chức luận điểm phải chính xác, rõ ràng, khoa học, mạch lạc, có tính hệ thống. Đồng thời phải đưa ra được những luận điểm sâu sắc mới mẻ. Phần nghị luận cần thể hiện rõ về suy nghĩ, quan điểm, rút ra bài học nhận thức và hành động thực tế từ chính vấn đề được nêu lên. Với dạng bài này, các bạn phải nắm được những thao tác quan trọng gồm: phân tích, chứng minh, giải thích, bình luận.
– Phần Nghị luận văn học (4 điểm): Khuyến khích thí sinh tự do trình bảy cảm nhận của mình về tác phẩm văn học. Thí sinh nên phân loại ôn tập theo các tác phẩm văn xuôi và tác phẩm thơ với những tiêu chí:
- Đối với văn xuôi: Nắm chắc cốt truyện, chi tiết, nhân vật, nội dung nghệ thuật, những sáng tạo độc đáo có trong tác phẩm;
- Đối với thơ: Ý nghĩa hình tượng, nhân vật và những hình ảnh tu từ.
⇒ Tham khảo chi tiết tại Kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Ngữ văn
1.2. Môn Toán
Đề thi môn Toán vào 10 có cấu trúc là 70% câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu, 30% câu hỏi ở mức vận dụng – vận dụng cao.
Đề Toán thông thường gồm có 8 câu hỏi, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản với các nội dung: Đồ thị, điều kiện có nghiệm của phương trình, định lý Vi-ét, vận dụng kiến thức đã học để giải bài toán thực tế. Câu hỏi còn lại là bài toán về hình học phẳng, gồm có 3 bài toán nhỏ.
Cụ thể, kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Toán, thí sinh cần chia cụ thể theo phần kiến thức Đại số và Hình học để dễ phân bố thời gian ôn luyện, không tham ôn luyện những bài toán khó bởi vì điều này sẽ khiến não bộ bị kiệt sức, cơ thể mệt mỏi ở trong ngày thi, tinh thần không thoải mái dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả thi.
⇒ Tham khảo chi tiết tại Kinh nghiệm ôn thi vào 10 môn Toán
1.3. Môn tiếng Anh
Với kế hoạch ôn tập môn Anh, có hai phần cơ bản là ngữ pháp và từ vựng, các bạn cần phân chia phần tự luận và trắc nghiệm để dễ dàng ôn tập và khoa học hơn.
– Phần ngữ pháp: Có khoảng 10 chủ đề, trong đó thí sinh phải lưu ý các chủ đề quan trọng nhất gồm: thì của động từ, từ loại, câu trực tiếp – gián tiếp, câu bị động, so sánh tính từ, cách dùng của các trợ động từ khuyết thiếu ở trong tiếng anh, kiến thức về cách phát âm ở trong tiếng Anh (đặc biệt là cách phát âm đuôi “s”, đuôi “ed”) các cặp phát âm dài và ngắn trong tiếng Anh. Thí sinh cũng nên tổng hợp lại xem phần nào mình đã nắm vững, phần nào vẫn chưa chắc chắn lắm thì ôn luyện thêm.
– Phần từ vựng: Những từ vựng trong đề thi chủ yếu sẵn có ở trong các bài đọc ở sách giáo khoa. Do đó, thí sinh nên liệt kê danh sách từ vựng và lên kế hoạch học thuộc, ghi nhớ để đủ lượng từ vựng cho bài thi Tiếng Anh tuyển sinh lớp 10.
⇒ Tham khảo chi tiết tại Kinh Nghiệm Ôn Thi Vào Lớp 10 Môn Anh
2. Tập trung cao độ cho kỳ thi
Ngay cả khi chúng ta có đề cương và một kế hoạch ôn tập hoàn hảo, nhưng nếu bị phân tâm bởi những yếu tố từ bên ngoài thì việc ôn thi cũng sẽ không đạt được hiệu quả như mình mong đợi.
“Chơi nốt hôm nay” là câu nói khá quen thuộc của rất nhiều bạn học sinh và cũng là lý do “kinh điển” cho việc thường xuyên trì hoãn việc học tập. Tinh thần tự giác và nghiêm khắc với bản thân là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mọi kế hoạch, không riêng gì với việc học hành đây cũng là kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 mà ít ai nhận ra.
Để không sa đà vào các cuộc vui, giải trí trên mạng xã hội cũng như các yếu tố khác. Các bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:
- Thiết lập thời gian biểu hợp lý cho bản thân, bao gồm giờ học và giờ nghỉ ngơi.
- Đặt báo thức cho mỗi khung giờ để tự nhắc nhở bản thân.
- Tự giác và kỷ luật với bản thân để bước đầu tự hình thành cho mình thói quen học tập chủ động.
- Cất các thiết bị điện tử mỗi khi giờ học đến.
3. Chủ động trong học tập và ôn thi
Để đạt được thành công trong kỳ thi vào lớp 10, học sinh cần phải có sự chủ động và sẵn sàng thu nạp kiến thức một cách thường xuyên. Có một số cách mà học sinh có thể áp dụng như:
- Thường xuyên mang theo đề cương ôn tập để có thể ôn lại trong thời gian rảnh rỗi.
- Tự lập kế hoạch học tập phù hợp và cam kết với bản thân để có thể đạt được mục tiêu học tập.
- Phát triển thói quen học tập đúng giờ để tránh việc trì hoãn.
- Chăm chỉ trong việc hệ thống và ôn lại kiến thức cũ để có thể chuẩn bị tâm lý tốt khi tiếp thu kiến thức mới.
Việc chăm chỉ, sẵn sàng đọc đi đọc lại bài và ôn bài mọi lúc là một thủ thuật tâm lý mang tên lặp lại ngắt quãng (Spaced repetition), một kỹ thuật tâm lý gia tăng thời gian giữa những lần ôn tập để khai thác hiệu ứng tâm lý ngắt quãng (Spacing effect) nhằm gợi nhắc và củng cố kiến thức. Kỹ thuật này thường được áp dụng để ghi nhớ một lượng lớn kiến thức như các từ vựng Tiếng Anh hoặc công thức Toán trong toàn bộ ở bậc trung học cơ sở.
4. Học cách ghi chú thông tin hiệu quả
Kỹ năng ghi chú là một trong những kỹ năng học tập hàng đầu. Ghi chú tốt sẽ giúp học sinh nhớ các khái niệm, phát triển các kỹ năng học tập có ý nghĩa và hiểu rõ hơn về một chủ đề cụ thể. Để ghi chú hiệu quả, các gợi ý từ Khóa Học Tốt cho các bạn học sinh bao gồm:
- Tóm tắt nội dung chính
- Tập trung vào ý chính
- Sử dụng các ký hiệu đầu dòng
- Sử dụng các từ viết tắt để tiết kiệm thời gian ghi chép
- Để chừa khoảng trống phù hợp giữa các ghi chú để bổ sung khi cần
5. Ôn tập bám sát theo những kiến thức cơ bản
Việc ôn tập bám sát theo những kiến thức cơ bản vô cùng quan trọng, bởi vì bài thi luôn được thiết kế để phân hóa phù hợp với các nhóm năng lực khác nhau của học sinh. Mặc dù sự chênh lệch về điểm số giữa câu khó và câu dễ không quá lớn, nhưng mức độ cơ bản chiếm từ 50 – 70% trong cấu trúc bài thi tuyển sinh 10. Vì vậy, nếu bỏ qua những kiến thức cơ bản, học sinh sẽ mất điểm một cách đáng kể.
Tuy nhiên, đa số các bạn học sinh lại tập trung ôn tập những kiến thức nâng cao và bỏ qua những kiến thức cơ bản. Điều này dẫn đến việc mất điểm một cách không đáng có. Hơn nữa, việc ôn tập từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp học sinh làm quen với độ khó tăng dần, tránh sự “choáng ngợp” trước những đề thi quá khó và giảm áp lực trong kỳ thi.
Để áp dụng phương pháp này, học sinh nên tận dụng sách giáo khoa và các loại sách tham khảo để luôn bám sát kiến thức. Sách giáo khoa là bí quyết đơn giản nhất để thi đậu cấp 3, bởi vì sách giáo khoa là nơi chỉ có kiến thức cơ bản. Nếu học sinh muốn nâng cao kiến thức, họ có thể tìm kiếm các loại sách tham khảo tương tự như chương trình sách giáo khoa nhưng sẽ là sách nâng cao (xuất bản bởi NXB Giáo dục). Đây là kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 đắt giá, vậy nên bạn nên lưu ý nhé!
6. Xây dựng đề cương ôn tập cụ thể, không học tủ
Đề cương ôn tập cho kỳ thi lớp 10 là một khung tóm tắt kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, giúp học sinh hiểu được toàn bộ kiến thức cần thiết ở trình độ trung học cơ sở. Việc ôn tập theo đề cương sẽ giúp học sinh tổng hợp và kiểm soát được mức độ hiểu biết của mình, từ đó tập trung ôn luyện những kiến thức còn chưa vững để đạt hiệu quả tối ưu.
Mỗi môn học sẽ được phân bổ kiến thức cụ thể, chẳng hạn như Văn học sẽ bao gồm Đọc-hiểu, Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội; Toán sẽ bao gồm Hình học và Đại số; Tiếng Anh sẽ bao gồm Ngữ pháp và Từ vựng. Qua đó, việc sắp xếp ôn tập theo đề cương sẽ giúp học sinh tiết kiệm thời gian và không bỏ lỡ bất kỳ kiến thức nào.
Nắm vững kiến thức bao quát cũng giúp học sinh không lo lắng và có tâm lý “học tủ”. Vì vậy, đề cương ôn tập là công cụ hữu ích để giúp học sinh ôn luyện và chuẩn bị tốt cho kỳ thi lớp 10.
7. Ôn đến đâu phải nắm chắc đến đó
Khi bạn cố gắng học thêm kiến thức mới trước khi hiểu rõ những kiến thức cũ, bạn sẽ mất nhiều thời gian để ôn tập lại cả một môn học. Điều này sẽ phá vỡ kế hoạch ôn thi và làm chậm quá trình học. Vì thế, Khóa Học Tốt khuyên bạn nên tuân thủ 4 nguyên tắc “ôn đến đâu nắm chắc đến đó” để giúp bạn đạt được thành tích cao trong kỳ thi lớp 10, gồm những điều sau:
– Tập trung khi nghe giảng: Khi nghe giảng, hãy chú ý và ghi chép cẩn thận. Điều này sẽ giúp bạn ôn tập ngay trên lớp và cải thiện khả năng ghi nhớ của bạn. Hãy hỏi và tìm câu trả lời ngay lập tức để có thể hiểu rõ hơn và ghi nhớ lâu hơn.
– Lên kế hoạch học tập cá nhân: Hãy lập một kế hoạch học tập cá nhân chi tiết. Ngoài thời khóa biểu ở trường, hãy ghi nhận thông tin về các bài tập và kiến thức cần học. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về nhiệm vụ của mình và tận dụng thời gian học tập hiệu quả hơn.
– Chia nhỏ kiến thức: Khối lượng kiến thức của mỗi môn học rất lớn. Để đối phó với khối lượng này, hãy chia nhỏ các kiến thức và ôn tập từng phần một. Điều này sẽ giúp bạn tập trung hơn và giải quyết được các vấn đề khó khăn một cách hiệu quả hơn.
– Làm bài tập thường xuyên: Hãy làm bài tập thường xuyên để nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình. Bạn có thể tìm kiếm các bài tập trên mạng hoặc yêu cầu giáo viên cung cấp thêm bài tập để làm.
Với các nguyên tắc này, bạn sẽ có thể ôn tập hiệu quả hơn và đạt được kết quả tốt trong kỳ thi lớp 10.
8. Tham gia vào các buổi học nhóm, tăng thêm hiệu quả ôn tập
Hình thành các nhóm học tập là kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 hiệu quả. Từ các nhóm học tập, những thành viên trong nhóm sẽ chia sẻ cách ôn tập, các kiến thức chuyên sâu và học hỏi lẫn nhau.
Việc học nhóm sẽ mang lại hiệu quả đặc biệt cho những kế hoạch học tập toàn diện, phát triển được kỹ năng thuyết trình, trình bày. Qua đó, giúp các thành viên trong nhóm ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể chia sẻ gánh nặng học tập của mình và động viên nhau, hỗ trợ, sửa sai, bổ sung cho nhau về mặt kiến thức. Hơn nữa, chúng ta sẽ có thể chia sẻ tài liệu bổ ích, tăng thêm tính cam kết học tập và gia tăng sự tập trung khi cùng bàn luận về một chủ đề học tập cụ thể.
9. Hệ thống hóa kiến thức trước và sau khi ôn tập
Hệ thống hóa kiến thức của bản thân trước và sau khi ôn tập đều có một mức độ quan trọng tương đương với nhau. Sau khi ôn tập theo một lộ trình cố định trong tuần, tháng,… Các bạn nên dành thời gian để kiểm lại những gì mình đã tự ôn tập được. Từ đó, rút ra những kết luận về sự đầy đủ hay thiếu hụt kiến thức theo đề cương bản thân đã vạch ra. Như vậy, các bạn sẽ có kế hoạch để hoàn thiện, bổ sung sao cho phù hợp, kịp thời.
Sau khi kiểm tra và có danh sách những lỗ hổng kiến thức, các bạn cần lên kế hoạch để ôn luyện thêm, củng cố cho nhóm kiến thức đó.
10. Thường xuyên luyện đề thi của các năm trước
Hầu hết các đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đều có cấu trúc tương tự như các năm trước đó, nội dung trọng tâm cũng xoay quanh những kiến thức cốt lõi. Việc thường xuyên luyện đề giúp các bạn hình dung được độ khó, các dạng bài, nhóm kiến thức chính cũng như làm quen với ma trận, cách trình bày của bài thi.
Ngoài ra, việc luyện đề không những giúp cho các bạn học sinh ôn luyện các kiến thức đã học, bổ sung thêm những kiến thức còn thiếu, mà còn nắm bắt được các thủ thuật làm bài sao cho nhanh và chính xác nhất. Đây cũng là cách để rèn luyện tinh thần tự tin trước kỳ thi chính thức diễn ra.
11. Ôn lại bài trước khi đi ngủ
Ôn lại bài trước khi đi ngủ là một phương pháp vô cùng hữu ích giúp thí sinh nhẩm lại kiến thức đã học trong đầu, kiểm tra lại xem mình đã tích lũy được bao nhiêu phần trăm kiến thức, biết được những phần còn yếu kém để có thể học kỹ hơn vào buổi sau.
Trước lúc đi ngủ hay vào buổi sớm thức dậy, các bạn cũng nên tập thói quen nhẩm đi nhẩm lại kiến thức mình đã học. Mục đích chính của việc này là để các bạn hiểu rõ bản thân đã học được bao nhiêu phần trăm so với lượng kiến thức cần phải nắm vững theo đề cương và lộ trình ôn tập.
12. Tham gia các kỳ thi thử để thử sức và đánh giá năng lực
Bên cạnh việc ôn tập, thi sinh cũng cần kiểm tra mức độ vận dụng kiến thức của bản thân thông qua các đợt thi thử do trường tổ chức.
Theo kết quả bài thi thử, các bạn thí sinh sẽ có thể tự đánh giá được năng lực của bản thân, sớm khắc phục các lỗ hổng kiến thức và rèn luyện để đạt được kết quả tối ưu cho kỳ thi tuyển sinh vào 10. Việc thi khảo sát giúp các sĩ tử tôi luyện tâm lý, vận dụng kiến thức đã học và làm quen với những dạng câu hỏi có trong đề thi.
13. Sắp xếp thời gian ôn tập và nghỉ ngơi phù hợp
Thời gian được cho là hợp lý và khoa học nhất để học tập là từ 19 giờ tới 22 giờ. Sau đó, các bạn nên đi ngủ để ‘sạc’ lại năng lượng và để não bộ được nghỉ ngơi sau một ngày học tập chăm chỉ. Ngoài ra, các bạn hãy tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, ngoại khóa để bản thân được thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
Những áp lực trước kỳ thi là điều không tránh khỏi nhưng các bạn học sinh cũng cần sắp xếp được thời gian học và thời gian nghỉ ngơi sao cho hợp lý nhất, tránh để bản thân rơi vào quá tải dẫn đến các căng thẳng tâm lý, gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và ôn luyện thi vào lớp 10.
Trên đây chính là những 13 kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 hiệu quả Khóa Học Tốt chia sẻ đến các sĩ tử. Những kinh nghiệm này không chỉ phát huy tác dụng trong việc ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 mà còn trong các kỳ thi khác cũng như trong quá trình học tập hằng ngày của các bạn. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết sau nhé!
- Review sách Penbook Vật Lý 2023 của HOCMAI có thực sự tốt
- Tổng hợp tất cả đề thi Đánh giá năng lực 2023 (Đầy đủ nhất)
- Phổ điểm thi đánh giá năng lực 2022 của các kỳ thi (Đầy đủ nhất)
- Kỳ thi đánh giá tư duy 2024 là gì? Những điều thí sinh cần biết!
- Thông tin về lịch thi đánh giá tư duy 2024 của Đại Học Bách Khoa Hà Nội