Giới thiệu chi tiết về kỳ thi đánh giá năng lực 2023 (Chi tiết nhất)

5/5 - (1 bình chọn)

Những năm gần đây, với mục tiêu đa dạng hóa phương thực tuyển sinh đại học cũng như nâng cao chất lượng thí sinh. Một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội,… đã tự tổ chức các kỳ thi riêng và nhận được hưởng ứng tích cực từ học sinh. Vậy kỳ thi riêng hay kỳ thi đánh giá năng lực là gì? Cùng Khóa Học Tốt tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

I. Kỳ thi đánh giá năng lực là gì?

1. Khái niệm

Kỳ thi đánh giá năng lực là bài kiểm tra được các trường tạo ra để kiểm tra năng lực cơ bản của thí sinh trước khi học tập tại bậc Đại học. Kỳ thi này được xây dựng với cách tiếp cận tương tự như những kỳ thi tiên tiến trên thế giới như kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) của nước Mỹ hay TSA (Thinking Skills Assessment) của nước Anh.

ky-thi-danh-gia-nang-luc-la-gi-1

  • Về hình thức: Kỳ thi đánh giá năng lực được thiết kế dưới dạng những câu hỏi trắc nghiệm khách quan hay còn được gọi là MCQ – Multiple Choice Question.
  • Về nội dung: Bài thi đánh giá năng lực 2023 tích hợp cả kiến thức cùng tư duy với một số hình thức thường gặp như: cung cấp số liệu, dữ liệu và các công thức cơ bản, đánh giá về khả năng suy luận cũng như giải quyết vấn đề của thí sinh.

2. Ý nghĩa

Bài thi đánh giá năng lực có 2 ý nghĩa chính:

  • Giúp các trường Đại học đánh giá được năng lực của thí sinh khi tham gia ứng tuyển vào các trường Đại học thông qua kết quả bài thi.
  • Kiểm tra, đánh giá một số trình độ cơ bản của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, dữ liệu hay giải quyết vấn đề

3. Mục tiêu

Mục đích của việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực là gì?

  • Đa dạng hóa phương thức tuyển sinh của trường
  • Tự chủ trong việc tuyển sinh đại học
  • Đánh giá được năng lực của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra chương trình giáo dục phổ thông mới
  • Để hướng nghiệp cho học sinh từ nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân
  • Kiểm tra tư duy, kỹ năng, kiến thức tự nhiên, xã hội cũng như thái độ của học sinh

 

II. Học sinh có nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hay không?

Học sinh có nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hay không hay thi đánh giá để làm gì? Để trả lời câu hỏi này, Khóa Học Tốt sẽ nêu ra những ưu và nhược điểm của kỳ thi đánh giá năng lực là gì rồi kết luận sau nhé!

1. Ưu điểm

*) Tăng thêm cơ hội trúng tuyển: Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ giúp học sinh tăng khả năng trúng tuyển vào các trường Đại học bản thân mong muốn mà còn giúp thí sinh hiểu chính xác được khả năng hiện tại của mình.  

*) Phản ánh đúng năng lực của thí sinh: Nhờ những kiến thức được đưa ra trong bài thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ hiểu rõ được năng lực cơ bản của mình.

*) Tính toàn diện về mặt kiến thức: Khác với kỳ thi THPT Quốc gia 2023, kỳ thi ĐGNL đòi hỏi thí sinh dự thi cần phải nắm vững kiến ​​thức được cung cấp trong chương trình THPT.

2. Nhược điểm

*) Áp lực thi cử: Dù đã tham gia kỳ thi ĐGNL nhưng thí sinh vẫn cần phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

*) Khó khăn trong việc di chuyển: Kỳ thi đánh giá năng lực thường được tổ chức tại các thành phố, tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải phòng, TP.HCM,… Do đó, điều này sẽ gây ra sự khó khăn trong việc di chuyển đến địa điểm thi đối với các thí sinh ở các tỉnh khác.

*) Khó khăn trong tiếp nhận thông tin cũng như ôn luyện: Đây là một kỳ thi tương đối khá mới mẻ, xa lạ đối với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, đặc biệt là những thí sinh không sinh sống tại các tỉnh thành lớn. Điều này tạo nên một số khó khăn nhất định trong tiếp nhận thông tin, ôn luyện kiến thức để tham dự kỳ thi.

3. Kết luận

Kỳ thi đánh giá năng lực là gì? Đây là một phương thức tuyển sinh khá mới mẻ, do đó cần theo dõi thông tin từ các trường đại học tổ chức kỳ thi này để cập nhật thông tin chính xác. Do điểm số kỳ thi TN THPT Quốc gia hằng năm đang ngày càng tăng lên đồng nghĩa mức độ cạnh tranh các ngành Hot đang ngày các khó khăn. Vậy nên, Khóa Học tốt khuyên các bạn nên ôn luyện và tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để tăng thêm cơ hội trúng tuyển. Bên cạnh đó, khi tham gia kỳ thi bạn cũng sẽ có cơ hội cọ xát, hiểu chính xác được năng lực hiện tại của bản thân để tập trung tốt nhất cho tự kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

 

III. Hình thức và cấu trúc bài thi đánh giá năng lực

Trước đây bài thi đánh giá năng lực có 2 hình thức thi là trắc nghiệm trên máy tính và thi trên giấy (chỉ kỳ thi đánh giá tư duy của ĐHBK). Tuy nhiên Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã có nhiều sự thay đổi từ cấu trúc bài thi và chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Kết quả thi sẽ tự động hiển thị trên màn hình máy tính ngay sau khi thí sinh kết thúc bài thi.

ky-thi-danh-gia-nang-luc-la-gi-3

Mỗi trường đại học sẽ có Đề thi đánh giá năng lực riêng và cấu trúc cũng khác nhau, ví dụ như: 

1. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội

Cấu trúc bài thi HSA của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần thi với tổng thời gian 195 phút:

  • Tư duy Định Lượng (Toán học)
  • Tư duy Định Tính (Ngôn ngữ – Ngữ văn)
  • Khoa Học (Tự nhiên – Xã Hội): Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh

Mỗi phần thi sẽ có 50 câu hỏi, gồm 2 dạng là trắc nghiệm 4 lựa chọn 1 đáp án đúng và điền đáp án.

⇒ Xem chi tiết tại bài viết: Cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực 2023 Đại học Quốc gia Hà Nội

2. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM gồm 3 phần thi với 120 câu hỏi làm trong tổng thời gian 150 phút:

– Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ (40 câu): 20 câu tiếng việt + 20 câu tiếng anh

– Phần 2: Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu (30 câu)

– Phần 3: Giải quyết vấn đề (50 câu)

3. Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy Đại Học Bách Khoa Hà Nội

Bài thi đánh giá tư duy của đại học Bách Khoa Hà Nội có cấu trúc gồm 3 phần với thời gian làm bài là 150 phút: 

  • Tư duy Toán học – 60 phút – 40 điểm
  • Tư duy Đọc hiểu – 30 phút – 20 điểm
  • Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề – 60 phút – 40 điểm

 

IV. Cách tính điểm kỳ thi đánh giá năng lực là gì

1. Cách chấm điểm

– Thang điểm các bài thi đánh giá năng lực: 

  • Kỳ thi HSA: 150 điểm
  • Kỳ thi APT: 1200 điểm
  • Kỳ thi đánh giá tư duy: 100 điểm

– Câu trả lời đúng sẽ được tính điểm, sai không bị trừ điểm.

– Các câu hỏi có điểm bằng nhau (kỳ thi ĐGTD và kỳ thi HSA), riêng kỳ thi APT thì các câu sẽ có số điểm khác nhau tùy theo độ khó của câu hỏi.

– Kết quả bài thi đánh giá năng lực không cộng điểm ưu tiên. Điểm xét tuyển của thí sinh có thể được cộng điểm ưu tiên tùy theo phương án tuyển sinh của trường đại học mà học sinh xét tuyển (nếu có).

– Từ năm 2023, điểm bài thi ĐGNL ĐH Quốc gia Hà Nội và bài thi ĐGNL ĐH Quốc gia TP.HCM có thể quy đổi cho nhau. Công thức quy đổi điểm thi ĐGNL HN và HCM: HSA = 0,1103 x APT.

2. Xét tuyển Đại học 

– Điểm xét tuyển: Tổng điểm bài thi, không nhân hệ số, cộng thêm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng (nếu có).

– Nguyên tắc xét tuyển: Xét tuyển theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp và sẽ được chọn trúng tuyển cho tới khi tuyển đủ chỉ tiêu. Trong trường hợp có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau và hết chỉ tiêu, Hội đồng tuyển sinh sẽ xét thêm tiêu chí phụ là điểm bài thi Toán (bắt buộc) và kết quả quá trình học THPT.

 

V. Thời gian tổ chức kỳ thi ĐGNL năm 2023 

1. Lịch thi ĐGNL Đại học Quốc gia HN

Năm 2023, đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 (301-308) đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6. Có nghĩa là kết thúc sớm hơn 1,5 tháng so với năm 2022. 

Chi tiết về lịch thi HSA như sau:

  • Đợt thi 301: 10/3 → 12/3/2023
  • Đợt thi 302: 25/3 → 26/3/2023
  • Đợt thi 303: 06/4 → 09/4/2023
  • Đợt thi 304: 22/4 → 23/4/2023
  • Đợt thi 305: 11/5 → 14/5/2023
  • Đợt thi 306: 20/5 → 21/5/2023
  • Đợt thi 307: 27/5 → 28/5/2023
  • Đợt thi 308: 03/6 → 04/6/2023

⇒ Xem chi tiết tại bài viết: Lịch thi đánh giá năng lực đại học quốc gia Hà Nội 2023

2. Lịch thi ĐGNL Đại học Quốc gia TP.HCM

Theo thông báo, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2023:

  • Đợt thi 1: 26/3/2023 (Chủ Nhật)
  • Đợt thi 2: 28/5/2023 (Chủ Nhật)

Trong đó kết quả thi đợt thi 1 sẽ được công bố vào ngày 5/4 và kết quả thi đợt thi 2 được công bố vào 29/5.

3. Lịch thi ĐGNL ĐH Bách Khoa HN

Thông tin từ ĐH Bách Khoa công bố, trường sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy (Tăng 2 đợt so với các năm trước):

  • Đợt thi 1: 10/6/2023
  • Đợt thi 2: 17/6/2023
  • Đợt thi 3: 8/7/2023

ky-thi-danh-gia-nang-luc-la-gi-2

Một số mốc thời gian khác thí sinh cần chú ý như:

  • Tháng 1: Công bố bộ ví dụ minh họa câu hỏi thi
  • Tháng 2: Thử nghiệm bộ câu hỏi thi
  • Tháng 3: Công bố đề thi mẫu và đăng ký thi thử
  • 9/4/: Thi thử online
  • 30/3 – 30/4/2023: Đăng ký dự thi
  • Tháng 8: Đại học BKHN cung cấp dữ liệu kết quả thi cho những đơn vị xét tuyển

⇒ Xem chi tiết tại bài viết: Lịch thi đánh giá tư duy đại học Bách khoa Hà Nội 2023

 

VI. Địa điểm tổ chức kỳ thi ĐGNL năm 2023 

Chi tiết về địa điểm tổ chức kỳ thi ĐGNL trong năm 2023 của các trường như sau:

1. Địa điểm tổ chức thi ĐGNL Đại học Quốc gia HN

Năm 2023, ĐH Quốc Gia Hà Nội tổ chức thi ĐGNL tại 17 điểm thi (tăng 2 điểm thi so với năm 2022) chi tiết như sau:

  • Đợt thi 301: Hà Nội, Thái Nguyên
  • Đợt thi 302: HN, Hải Phòng
  • Đợt thi 303: HN, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa
  • Đợt thi 304: HN, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An
  • Đợt thi 305: HN, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa
  • Đợt thi 306: HN, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An
  • Đợt thi 307: HN, Nam Định, Hưng Yên
  • Đợt thi 308: HN, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên

⇒ Xem chi tiết tại bài viết: Địa điểm thi đánh giá năng lực 2023 đại học quốc gia Hà Nội

2. Địa điểm tổ chức thi ĐGNL Đại học Quốc gia TP.HCM

ĐH Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 2 đợt thi ĐGNL tại:

– Đợt thi 1: 21 tỉnh thành

  • Miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Bình Thuận;
  • Đông Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu;
  • Tây Nam Bộ: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu.

– Đợt thi 2: 4 tỉnh:

  • TP. Hồ Chí Minh;
  • Đà Nẵng;
  • Khánh Hòa;
  • An Giang.

3. Địa điểm tổ chức thi ĐGTD Đại học Bách Khoa Hà Nội

Các đợt thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ được tổ chức tại các địa điểm sau:

  • Đợt thi 1: Hà Nội (ĐH Bách khoa – ĐH Thuỷ lợi – ĐH Kinh tế quốc dân)
  • Đợt thi 2: Hà Nội (ĐH Bách khoa- ĐH Thuỷ lợi – ĐH Kinh tế quốc dân)
  • Đợt thi 3: Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên

 

VII. Các trường Đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực

Theo thống kê, hiện nay đã có:

  • 71 trường đại học sử dụng kết quả điểm bài thi ĐGNL ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA)
  • 87 trường đại học sử dụng kết quả điểm bài thi ĐGNL ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (APT).
  • 31 trường đại học sử dụng kết quả điểm bài thi đánh giá tư duy, ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến sẽ có hơn 80 trường sử dụng kết quả ĐGTD trong năm 2023

Trên đây bài viết giải thích Kỳ thi đánh giá năng lực là gì và tất tần tật những thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực 2023. Khóa Học Tốt chúc các bạn ôn luyện thi hiệu quả, chinh phục được điểm số thật cao trong kỳ thi ĐGNL và trúng tuyển được vào trường Đại học mơ ước.